7 tháng 7, 2011

Nga giao tàu ngầm cho VN năm 2014

7 tháng 7, 2011
0 Nhận Xét :
Chiếc đầu tiên trong số sáu tàu ngầm hạng Kilo 636 mà Việt Nam đặt mua từ Nga sẽ được giao hàng vào năm 2014.

Thông tấn xã Nga Novosti dẫn lời giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho hay chi tiết trên tại một cuộc triển lãm hải quân ở St Petersburghôm 01/07.

Ông Oleg Azizov khẳng định: "Các tàu ngầm sẽ được chuyển giao từ năm 2014".

Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng trị giá nhiều tỷ đôla trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm 2009.

Khi được hỏi về các đặc tính của loạt tàu ngầm đang thực hiện cho Việt Nam, ông Azizov nói: "Đây là các tàu ngầm theo thiết kế chuẩn với hệ thống hỏa tiễn chuẩn dạng Club".

Mới đây, hồi đầu tháng Sáu, trả lời câu hỏi về các động thái hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là việc mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói: "Đúng là chúng tôi đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm Kilo 636 của Nga, và việc này hoàn toàn công khai minh bạch".

Ông khẳng định "đây là việc làm bình thường" phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.

"Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần để ý tới yếu tố này."
Tàu ngầm Giao Long

Trong khi đó, Trung Quốc đang mang thử nghiệm độ sâu mới đối với loại tàu ngầm Giao Long được cho là có khả năng lặn sâu nhất thế giới.

Cuối tuần rồi, tàu Giao Long đã được thử độ sâu 5.000 mét ở Thái Bình Dương, sâu hơn mức 3.759 mét thử hồi năm ngoái.

Tàu ngầm Giao Long sẽ qua đợt thử nghiệm 47 ngày ngoài khơi, các chuyên gia sẽ xem xét tất cả các thiết bị trên tàu.

Đây là loại tàu ngầm có người điều khiển đầu tiên trên thế giới có thể lặn sâu tới 7.000 mét dưới mặt nước và có thể hoạt động tại 99,8% các vùng biển trên thế giới.

Tàu Giao Long với thủy thủ đoàn ba người đã thực hiện 17 lần lặn tại Biển Đông hồi năm ngoái, từ 31/05-18/07 và xuống độ sâu 3.759 mét.

Trung Quốc là nước thứ năm, sau Hoa Kỳ, Pháp, Nga và Nhật, có tàu ngầm có người điều khiển lặn sâu trên 3.500 mét.

read more

6 tháng 7, 2011

Mỹ điều tàu ngầm để thị uy

6 tháng 7, 2011
0 Nhận Xét :
Tin cho hay, trong một diễn biến ít ai biết tới, ngay trước khi Trung Quốc loan báo tập trận tại Đông Hải (30/06-05/07), Mỹ đã điều ba tàu ngầm tới các cảng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) xuất bản tại Hong Kong nói hôm thứ Hai 28/06, ba tàu ngầm thuộc loại lớn nhất trong Hạm đội 7 của Mỹ được điều động trong màn thị uy "chưa từng thấy kể từ cuối Chiến tranh lạnh".

Đó là các tàu USS Michigan, được điều tới Pusan, Hàn Quốc; tàu USS Ohio tới Vịnh Subic của Philippines; và tàu USS Florida tới Diego Garcia trong Ấn Độ Dương.

Việc điều động này được nhận xét là chỉ dấu cho thấy sự leo thang trong hoạt động dưới đáy biển ở Đông Á.

Báo Hong Kong cho hay ba tàu ngầm hạng Ohio này vừa được nâng cấp từ sử dụng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân chuyển sang dùng các vũ khí tối tân hơn như thiết bị do thám hiện đại và số lượng lớn tên lửa Tomahawk chuyên tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Tổng số tên lửa mà ba tàu này mang trên mình lên tới 462 chiếc Tomahawk.

Một quan chức quốc phòng hoạt động lâu năm ở Á châu được trích lời nói đây là lượng hỏa lực vô cùng lớn.

Quan chức giấu tên này nói: "Đây là dấu hiệu nữa cho thấy Hoa Kỳ đang kiên quyết duy trì vị thế thống lĩnh về quân sự ở châu Á. Làm động tác này lộ liễu như vậy, Mỹ muốn chuyển thông điệp cho Bắc Kinh và các nước khác, kể cả đồng minh lẫn không đồng minh."

Bắn đạn thật

Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực Đông Hải trong sáu ngày, bắt đầu từ thứ Tư 30/6.

Có đồn đoán nước này đem vào thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo chống tàu chiến tối tân nhất mà chưa quốc gia nào sử dụng.

Báo Bưu điện Hoa Nam nhận định rằng quyết định của Mỹ, đưa ra chỉ trước đó hai ngày, có thể là phản ứng của Washington trước quan ngại của các nước láng giềng trong khu vực, vốn đã "kín đáo yêu cầu Mỹ có hành động trước thái độ ngày càng mạnh bạo của hải quân Trung Quốc tại Đông Á".

Một quan chức ngoại giao được dẫn lời nói: "Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Australia - tất cả các nước này đều đã nhiều lần phản ánh quan ngại của mình đằng sau hậu trường."

"Không có chủ đề nào "nóng" hơn câu chuyện về tham vọng hải quân của Trung Quốc."

Tại Washington thì đang xuất hiện quan ngại về lượng hỏa tiễn ngày càng lớn ở Đông Á.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính rằng Trung Quốc đã tăng con số tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình chuẩn xác.

Báo cáo mới nhất của bộ này về quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc cho hay con số tên lửa tầm ngắn ghi được vào cuối tháng 9/2008 là từ 1.050 tới 1.150, nay tăng 100 chiếc/năm, tập trung vào Đài Loan.

Trong cuộc tập trận mới kết thúc, giới quan sát nói có thể Bắc Kinh mang ra thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo có tên gọi là "sát thủ của hàng không mẫu hạm" (aircraft carrier killer).

Được bắn đi từ bệ phóng lưu động, loại hỏa tiễn này có sức công phá rất lớn và sẽ khiến Hoa Kỳ phải cân nhắc lại hoạt động của các hàng không mẫu hạm, nhất là số tàu mà nước này duy trì ở Hạm đội 7 tại Nhật Bản.

read more

1 tháng 7, 2011

Việt Nam mở cửa căn cứ tàu ngầm

1 tháng 7, 2011
0 Nhận Xét :
Phái viên báo Tuổi Trẻ vừa được thăm quan căn cứ của đơn vị tàu ngầm duy nhất tại Việt Nam.

Đóng tại Cam Ranh, đoàn M96 hải quân ra đời 14 năm trước đây, và mới chỉ "hé cửa" cho “một vài nhà báo” đầu tiên tới thăm trong những ngày gần đây.

Bài viết trên Tuổi Trẻ ra ngày 16/1 kể về chuyến thăm đơn vị hải quân thuộc hàng “bí mật quân sự” cao nhất tại Việt Nam.

Theo bài viết của tác giả Thái Bình, trong chuyến thăm căn cứ tàu ngầm, từng là quân cảng của hải quân Liên Xô (cũ) trước đây, phái viên trong nước chỉ được phép quan sát và không được chụp hình.

“Lúc chúng tôi đến, một trong những chiếc tàu ngầm của đơn vị vừa ngoi lên và cập vào cầu cảng. “Chỉ quan sát thôi, không chụp ảnh nhé!”, thiếu tá - chủ nhiệm chính trị Dương Xuân Khang lệnh rõ ràng,” tờ Tuổi Trẻ viết.

Miêu tả của phái viên Tuổi Trẻ cho thấy chiếc tàu ngầm nhà báo được phép đến thăm thuộc loại nhỏ, vì “chỉ cần thả người xuống và sải hai buớc là đặt chân xuống sàn tàu.”

Bài viết của báo trong nước không nhắc đến tên của tàu ngầm, thuộc lớp gì, hạ thủy từ năm nào, do nước nào đóng. Ngoài việc miêu tả: “trên vách khoang tàu chật chội này, bố trí dày đặc các loại thiết bị chuyên dùng với nhiều màn hình, nút bấm, nút vặn.”

Có một chi tiết trong bài viết khiến người đọc suy tưởng chiếc tàu ngầm Việt Nam đang sử dụng chạy bằng ắc quy.

“Máy nổ sẽ tích điện cho cả trăm bình ăcquy cỡ lớn và đó là nguồn năng lượng cho tàu khi hoạt động ngầm,

“Khoang máy có lẽ chiếm không gian rộng nhất trên tàu.”

Đời sống dưới nước

Không nói nhiều đến đặc tính kỹ thuật của chiếc tàu ngầm tham quan, bài báo sau đó chuyển sang viết về cuộc sống của thủy thủ hoạt động dưới đại dương.

Đoàn trưởng đoàn M96, đại tá Lê Mạnh Hùng cho phái viên hay, ban ngày tàu hay lặn dưới nước, đến đêm mới nổi lên.

“Thủy thủ tàu nổi có khi còn cảm xúc lãng mạn giữa biển trời bao la, chứ anh em tàu ngầm làm gì có, ” báo Tuổi Trẻ trích lời ông Hùng.

Sau đó phái viên viết về những ngày đầu của đơn vị tàu ngầm Việt Nam.

Đó là đến năm 1997 Việt Nam mới bắt đầu “tiếp nhận” những chiếc tàu ngầm đầu tiên từ một “nước bạn.”

Tờ báo không nói đến tên của “nước bạn” này, tuy viết thêm ông Lê Mạnh Hùng, đại tá, đoàn trưởng M96 là người học ở Liên Xô về.

Và ông Hùng được Tuổi Trẻ trích lời nói như sau: “Thủy thủ tàu ngầm là công việc đặc biệt nguy hiểm không chỉ khi xảy ra chiến tranh mà ngay cả trong thời bình. Chỉ cần một thiết bị hỏng hóc là có thể cả êkip phải nằm lại dưới đáy biển”.

Còn thuyền trưởng chiếc tàu mở khoang đón nhà báo vào thăm, thiếu tá Nguyễn Minh Hòa nói: “Lực lượng tàu ngầm rồi đây sẽ là quả đấm thép trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.”

Gọi lính tàu ngầm là “lực lượng tinh nhuệ được sàng lọc kỹ,” tờ báo trong nước kể về tiêu chuẩn nhập ngũ, như “phải có sức khỏe tốt, cỡ phi công chiến đấu,” cạnh đó còn là “chịu được áp lực lặn sâu 50m.”

Có lúc chỉ huy căn cứ giới thiệu về đơn vị được gọi là “đặc công tàu ngầm” thuộc đoàn M96, tuy nhiên phái viên trong nước đã không được phép tiếp xúc.

Tiêu chuẩn chọn lựa những người này rất kỹ, tờ báo viết, vì “trong cả ngàn chiến sĩ chỉ chọn được 1-2 người.”

Một chỉ huy cho phái viên Tuổi Trẻ hay:

“Trước đây do yêu cầu giữ bí mật quân sự, đơn vị không được phép giao lưu kết nghĩa, anh em ra ngoài không được xưng là người của đơn vị tàu ngầm.”


Sắm vũ khí mới

Việt Nam đang có chương trình hiện đại hóa quân đội, theo báo trong nước, để bảo vệ biên giới và chủ quyền biển đảo tốt hơn.

Trong chuyến thăm Nga tháng 12 năm 2009, thủ tướng Việt Nam đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, với phí tổn gần 2 tỷ đôla.

Ngoài tàu ngầm và khóa huấn luyện cho thủy thủ đoàn, hợp đồng còn bao gồm việc xây mới cơ sở trên bờ để phục vụ tàu.

Nhà máy đóng tàu Admiralteiskiye Verfi tại St Petersburg sẽ thực hiện hợp đồng, với mục tiêu mỗi năm giao hàng cho Việt Nam một chiếc.

Cũng có tin Việt Nam đặt hàng thêm tàu tuần tra hạng Svetlyak và tàu hộ tống cho hải quân.

Tàu ngầm hạng Kilo, dùng cả dầu diesel và điện năng, được cho là loại tàu ngầm ít tiếng ồn nhất thế giới. Tàu ngầm dạng này có thể dùng để chống tàu ngầm, cũng như tàu chiến thông thường, kể cả trong vùng biển tương đối nông.

Tàu loại Kilo trang bị hệ thống hỏa tiễn Club-S rất hiện đại.

Được biết hiện Trung Quốc có 12 tàu dạng này.

Hợp đồng mua tàu ngầm của Nga chắc chắn là tín hiệu rõ ràng cho các nước đang tham gia tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở khu vực Biển Đông.

Việt Nam luôn bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực này và khẳng định muốn giải quyết một cách hòa bình, thông qua thương lượng.

read more
 

free counters

Followers